Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp Đông_Hòa_Hiệp

Theo tư liệu lịch sử, làng Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 46 km và nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Kông. Vào thế kỷ thứ 18, chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp nay làm lỵ sở của dinh Long Hồ, đến năm 1757, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ (là thành phố Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay).

Trong suốt 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ, làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan lại và đại địa chủ đến sinh sống, làm cho vùng đất này trở nên trù phú. Từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng các loại gỗ quý, có mái lợp ngói, cao và rộng, kiến trúc theo lối kết hợp giữa phương Đông lẫn phương Tây, đã góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác.

Là một trong những hoạt động trong dự án bảo tồn làng cổ Đông Hòa Hiệp, tổ chức JICA và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang và UBND huyện Cái Bè đã triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu về làng cổ. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Việt Nam đánh giá, "Bảo tồn làng cổ Đông Hòa Hiệp với những nét đặc trưng về cảnh quan, kiến trúc và những sinh hoạt văn hóa, ẩm thực,... gắn với vùng đất này là một trong những nỗ lực để mọi người dù ở nơi đâu đều có thể chiêm ngưỡng và hiểu thêm về vùng đất cổ của Việt Nam".

Kết quả nghiên cứu cho thấy kiến trúc truyền thống của nhà cổ Đông Hòa Hiệp có niên đại hàng trăm năm, nằm rải rác trong phạm vi rộng lớn. Các ngôi nhà ở đây dù đã trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh, nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống của người Việt. Một số ngôi nhà cổ có kiến trúc theo kiểu phương Tây với vẻ đa dạng, vừa cổ kính vừa mang chút hiện đại.